#062 | Hệ quả của chấm dứt hợp đồng với thỏa thuận trọng tài

12/26/2023

Tình tiết sự kiện:

Công ty B (Nguyên đơn) và Công ty L (Bị đơn) xác lập hợp đồng thuê nhà xưởng trong đó có thỏa thuận trọng tài. Sau đó, Nguyên đơn, Bị đơn và chủ sở hữu nhà xưởng thỏa thuận chấm dứt hợp đồng nhưng có tranh chấp về việc thực hiện thỏa thuận thanh lý hợp đồng trên. Hội đồng Trọng tài xác định thỏa thuận trọng tài vẫn tồn tại nên Hội đồng Trọng tài có thẩm quyền.

Bài học kinh nghiệm:

Rất nhiều hợp đồng hiện nay có thỏa thuận chọn trọng tài để giải quyết tranh chấp phát sinh giữa các bên. Sau đó các bên chấm dứt hay hủy bỏ hợp đồng trong đó có thỏa thuận trọng tài. Câu hỏi đặt ra là việc chấm dứt, hủy bỏ hợp đồng có làm chấm dứt thỏa thuận trọng tài không?

Trong vụ việc trên, các Bên thỏa thuận trong hợp đồng “Mọi tranh chấp phát sinh từ việc thực hiện hợp đồng này hoặc liên quan đến hợp đồng này trước hết phải được giải quyết thông qua thương lượng trên tinh thần hợp tác, bình đẳng cùng có lợi. Trong trường hợp hai Bên không tự giải quyết được thì tranh chấp sẽ được đưa ra giải quyết tại Trung Tâm Trọng Tài Quốc Tế Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh theo quy tắc trọng tài của Trung Tâm Trọng Tài Quốc Tế Việt Nam. Quyết định của Trung Tâm Trọng Tài Quốc Tế Việt Nam sẽ là chung thẩm mà các bên phải thi hành. Phí trọng tài và các khoản chi phí phát sinh từ vụ kiện sẽ do bên có lỗi chịu trách nhiệm thanh toán”.

Một thời gian sau khi xác lập hợp đồng thuê nêu trên, Nguyên đơn và Bị đơn lập Biên bản thỏa thuận số 01/0210/BBTT có sự tham gia của chủ sở hữu tài sản. Tại Điều 2 Nguyên đơn và Bị đơn đã thỏa thuận “tiến hành thanh lý hợp đồng thuê nhà xưởng số 01/1109/HDNX được hai Bên ký kết ngày 20/11/2009”. Việc thanh lý hợp đồng thuê trong đó có thỏa thuận trọng tài có làm chấm dứt thỏa thuận trọng tài không?

Theo Hội đồng Trọng tài, “thỏa thuận này không ảnh hưởng tới thỏa thuận trọng tài nêu trên vì theo Điều 11 Pháp lệnh Trọng tài thương mại năm 2003, “điều khoản trọng tài tồn tại độc lập với hợp đồng. Việc thay đổi, gia hạn, hủy bỏ hợp đồng, sự vô hiệu của hợp đồng không ảnh hưởng đến hiệu lực của điều khoản trọng tài” (nội dung quy định này được nhắc lại tại Điều 19 Luật Trọng tài thương mại năm 2010)”.

Như vậy, thỏa thuận trọng tài vẫn còn giá trị khi hợp đồng thuê trong đó có điều khoản về trọng tài chấm dứt. Thực ra, hợp đồng thuê và thỏa thuận trọng tài là hai thỏa thuận độc lập với nhau: Điều kiện có hiệu lực cũng như cơ chế điều chỉnh việc thực hiện hai thỏa thuận này khác nhau cho dù thông thường hai thỏa thuận này cùng nằm trong một văn bản. Vì thế, việc chấm dứt hay hủy bỏ hợp đồng thuê không có tác động tới thỏa thuận trọng tài. Hướng giải quyết này phần nào cũng được ghi nhận tại Điều 314 Luật Thương mại năm 2005 và khoản 3 Điều 428 Bộ luật dân sự năm 2015 theo đó “sau khi huỷ bỏ hợp đồng, hợp đồng không có hiệu lực từ thời điểm giao kết, các bên không phải tiếp tục thực hiện các nghĩa vụ đã thoả thuận trong hợp đồng, trừ thỏa thuận về các quyền và nghĩa vụ sau khi huỷ bỏ hợp đồng và về giải quyết tranh chấp” và “khi hợp đồng bị đơn phương chấm dứt thực hiện thì hợp đồng chấm dứt kể từ thời điểm bên kia nhận được thông báo chấm dứt. Các bên không phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ, trừ thỏa thuận về phạt vi phạm, bồi thường thiệt hại và thỏa thuận về giải quyết tranh chấp”.

Từ vụ việc trên, doanh nghiệp biết rằng thỏa thuận về giải quyết tranh chấp không bị ảnh hưởng bởi sự tồn tại của hợp đồng mà thỏa thuận này sinh ra để phục vụ trong trường hợp có tranh chấp. Hợp đồng thuê, mua bán, cho mượn tài sản, dịch vụ… có thể chấm dứt, hủy bỏ mà thỏa thuận trọng tài sinh ra để giải quyết tranh chấp phát sinh từ các hợp đồng này không bị ảnh hưởng. Đơn giản là vì thỏa thuận trọng tài và hợp đồng mà thỏa thuận trọng tài sinh ra để phục vụ là hai thỏa thuận độc lập với nhau cho dù chúng thường tồn tại trong cùng một văn bản.

*Tuyên bố bảo lưu: Bài viết được đăng tải với mục tiêu cung cấp thông tin có giá trị tham khảo đối với các Trọng tài viên, các bên tranh chấp, những người tham gia tố tụng trọng tài cũng như những người đang nghiên cứu và tìm hiểu về phương thức trọng tài thương mại và không có bất kỳ mối liên hệ hay có mục đích nhằm thể hiện ý kiến, quan điểm của Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC). Mọi sự dẫn chiếu, trích dẫn từ bên thứ ba bất kỳ đến một phần hoặc toàn bộ nội dung tại bài viết này đều không có giá trị và không được VIAC thừa nhận. 

Tin liên quan

  • Trường Đại học Luật Tp.HCM
    VCCI
    VIBOnline
    Trường đại học ngoại thương
    Trường Đại Học Luật
    VCCI